Phần III: Tinh, khí, huyết, thần, tân dịch.

ĐẠI CƯƠNG
Tinh, khí, huyết, thần, tân dịch được xem là 5 vật chất cơ bản của sự sống.
I. TINH: Là cơ sở vật chất cấu tạo nên cơ thể và dinh dưỡng cơ thể, gồm:

1. Tinh tiên thiên: Là tinh do cha mẹ truyền lại cho con, được hiểu là các đặc tính về di truyền.
Chức năng của Tinh tiên thiên sẽ quyết định sự hoàn thiện về mặt cấu trúc, hình thái của cơ thể cũng như cấu trúc và chức năng của các bộ phận khác trong cơ thể. Do đó, Tinh tiên thiên khi khiếm khuyết sẽ đưa đến các bệnh lý di truyền hoặc bẩm sinh.
2. Tinh hậu thiên: Có nguồn gốc từ thức ăn. Thức ăn sau khi được tiêu hóa, hấp thu sẽ đi khắp châu thân để dinh dưỡng các Tạng Phủ đồng thời được chuyển hóa thành Khí để duy trì các hoạt động của cơ thể và Tạng Phủ. Do đó, khi rối loạn Tinh hậu thiên sẽ đưa đến các rối lọan về dinh dưỡng.
* Quan hệ Tinh tiên thiên – Tinh hậu thiên:
-Tinh tiên thiên dựa vào sự nuôi dưỡng của tinh hậu thiên để không ngừng hình thành và bảo vệ thai nhi, giúp cho sự sinh trưởng và phát dục của cơ thể.
-Tinh hậu thiên dựa vào sự thúc đẩy, khí hóa của tinh tiên thiên, từ đó các chất tinh vi không ngừng được sinh mới nhằm thúc đẩy công năng của tạng phủ, phần còn lại được tàng ở Thận.

3. Tinh sinh dục: Là tinh của Thận, có chức năng điều hòa các hoạt động của Tạng Phủ đặc biệt là sự phát dục và sinh dục ở nam nữ.Do đó, khi rối loạn Tinh sinh dục sẽ đưa đến rối loạn phát triển thể chất đặc biệt là các bệnh lý bẩm sinh về giới tính.

4. Tinh Tạng Phủ: Là vật chất cơ bản để cấu tạo nên cơ quan Tạng Phủ đó. Nguồn gốc của nó là Tinh tiên thiên được khí hóa mà thành . Đồng thời, không ngừng được bổ sung bởi Tinh hậu thiên. Do đó, khi rối loạn Tinh của Tạng Phủ sẽ đưa đến rối loạn chức năng của chính Tạng Phủ đó.VD: Khi tạng Tỳ thổ bị hư thì sẽ có biểu hiện của Tỳ khí hư như: Chán ăn, buồn nôn, tiêu chảy (Do Tỳ bất kiện vận ).Chướng bụng, phù chân (Do Tỳ không vận hóa thủy thấp ).Chảy máu tự nhiên (Do Tỳ bất thống nhiếp huyết ).

* Chức năng của Tinh: Có 4 chức năng.
•Sinh sôi nảy nở: Thận tinh sung túc thì khả năng sinh sản mạnh mẽ; Thận tinh bất túc thì sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
•Sinh trưởng và phát dục.
•Sinh tủy hóa huyết: Thận tàng tinh, tinh sinh tủy, não là bể của tủy; Tinh sinh tủy, tủy hóa huyết.
•Nhu nhuận tạng phủ.
Tinh là cơ sở của sức sống, tinh đầy đủ thì sức sống mạnh mẽ, cơ thể thích ứng được với sự thay đổi của hoàn cảnh, tinh thiếu hoặc kém thì sức sống giảm, kém thích ứng và giảm sức đề kháng với bệnh tà.

II. KHÍ: Là chất dinh dưỡng (có nguồn gốc từ thức ăn) vận hành trong cơ thể. Là sự hoạt động của các tạng phủ, khí quan trong cơ thể.
Khí gồm có:
1. Nguyên khí: Còn gọi là Khí tiên thiên do Tinh tiên thiên hóa sinh mà thành, có chức năng thúc đẩy mọi hoạt động của cơ thể và của Tạng Phủ. Do đó, khi khiếm khuyết Tinh tiên thiên sẽ đưa đến thiếu hụt Nguyên khí.
2. Khí hậu thiên: Là Khí hóa sinh từ đồ ăn thức uống kết hợp với khí trời hít vào.
a. Tông khí: Là khí cần cho sự hoạt động của Phế và Tâm. Tông khí kém sẽ có biểu hiện của: Mệt mỏi; Tiếng nói thấp, nhỏ, hụt hơi; Gắng sức thì vã mồ hôi; Mặt trắng nhợt; Mạch yếu, nhỏ.
b. Dinh khí: Có nguồn gốc từ thức ăn uống qua khí hóa của Tỳ Vị mà sinh ra, có chức năng dinh dưỡng tòan thân. Dinh khí kém sẽ có biểu hiện suy kiệt.
c. Vệ khí :Có nguồn gốc từ thức ăn uống qua khí hóa của Tỳ Vị mà thành nhưng được phân bố bởi Thượng tiêu, nó có chức năng ôn dưỡng Tạng Phủ và bảo vệ bì mao tấu lý. Vệ khí kém thì cơ thể dễ bị mắc các bệnh thời khí, truyền nhiễm.

III. HUYẾT: Là chất dịch màu đỏ có nguồn gốc từ đồ ăn thức uống được Tỳ Vị khí hóa mà thành. Chúng luân chuyển khắp cơ thể qua các mạch máu để dinh dưỡng toàn thân.
Huyết được tạo thành từ: - Thận chủ cốt tủy, tủy hóa sinh thành Huyết. - Tỳ khí hóa tinh hoa thủy cốc rồi qua tác dụng khí hóa của Tâm Phế mà thành huyết
Huyết hư có biểu hiện: Người mệt mỏi; Sắc mặt, môi, móng nhợt nhạt; Da, lông thưa khô; Hoa mắt; Chóng mặt.Huyết bị ứ trệ không lưu thông được sẽ sinh tím tái toàn thân hoặc cục bộ sưng, nóng đỏ, đau.

IV. THẦN: Thần được sinh ra bởi Tinh tiên thiên và nuôi dưỡng bởi Tinh hậu thiên. Thần là khái niệm chung về hoạt động tinh thần của con người. Thần bị rối loạn sẽ có biểu hiện: Hôn mê; Cuồng sảng, Trầm uất; Mất trí nhớ; Rối loạn hành vi, ngôn ngữ.
Thần còn thì sống, mất thần thì chết

V. TÂN DỊCH
1. Tân: Là một loại thể dịch của cơ thể sinh ra từ đồ ăn thức uống do Tỳ vận hóa thăng phần thanh lên Phế, qua tác dụng tuyên phát của Phế mà phân bổ khắp cơ thể phân bố đến cơ nhục, bì phu để ôn dưỡng cơ nhục và tươi nhuận da lông. Sau đó, trở thành trọc theo Tam tiêu (dưới sự túc giáng của Phế) xuống Bàng quang. ở đây dưới tác dụng của Thận Khí sẽ trở thành 2 phần, phần thanh đưa trở lại Phế để phục nguyên thành tân dịch mới, phần trọc thành nước tiểu thải ra ngòai theo khí của Tam tiêu. Tân bao gồm nước bọt, dịch vị, dịch trường, mồ hôi, nước tiểu …

2. Dịch: Có từ nguồn gốc từ đồ ăn thức uống hóa sinh mà thành. Thường xuất hiện trong các lổ tự nhiên (Khiếu), dịch não tủy, khớp có tính chất trơn nhớt đậm đặc hơn Tân.
Sự thiếu hụt Tân dịch sẽ biểu hiện: Khô khát; Ho khan; Mất tiếng; Tiểu ít; Da lông khô; Các khớp vận động khó khăn.
Tân dịch bị ứ đọng sẽ biểu hiện: Đàm ẩm; Thủy thũng; cổ trướng.