AMIDAL VIÊM

A- Đại cương

Amidal có tên là ‘Hạnh Nhân’ thuộc về một hệ thống bạch huyết mọc ở trong họng. Vì có mầu sắc và hình dáng giống hạt Hạnh nhân nên được gọi là ‘Hạnh Nhân’.
Amidal được ví như hai người lính gác ở ngã ba đường thở và đường ăn.
Khi Amidal không bị viêm, nó có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể bằng cách sản xuất ra các kháng thể chống lại vi khuẩn từ ngoài xâm nhập vào. Tuy nhiên khi chính Amidal bị viêm thì nó không làm được nhiệm vụ bảo vệ mà lại trở thành một ổ nhiễm ảnh hưởng đến khắp cơ thể, gây ra nhiều chứng có hại cho cơ thể.     
Là 1 bệnh thường gặp nơi trẻ nhỏ và hay tái phát.
YHCT gọi là Biên Đào Thể Viêm, Hầu Tý, Nhũ Nga, Thạch Nga.
- Cũng gọi là Viêm Hạt Hạnh Nhân.
- Chẩn đoán rõ nhất là  bảo người bệnh há to miệng, xem phía trong sát họng sẽ thấy Amidal sưng  kèm sốt cao đột ngột (cấp).

B- Nguyên nhân

Họng liên hệ với Phế và Vị, là nơi thức ăn được đưa vào Vị, họng cũng thông với khí quản, vào Phế. Nếu phong nhiệt xâm nhập vào Phế, nhiệt tà sẽ nung đốt Phế. Hoặc do ăn uống thức ăn cay nóng sẽ làm cho hỏa của Vị bốc lên, nung nấu phía trên, tân dịch bị nung đốt sẽ biến thành đờm, đờm uất kết lại ở phía trên làm cho Amidal sưng lên.

C- Triệu chứng

Trên lâm sàng thường hay gặp 2 loại sau:

1) Amidal Viêm Cấp Tính

Đây là loại thường hay gặp nhất, dễ xẩy ra khi gặp lạnh, thời tiết thay đổi. Đông Y gọi là Hầu nga, Phong Nhiệt Nhũ Nga.

* Thể Nhẹ:

+ Do Phong nhiệt: Sốt, sợ lạnh, đầu đau, mũi nghẹt, họng đau, Amidal sưng đỏ, đau, nuốt khó, đầu lưỡi đỏ, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch Phù Sác.

+ Do Phong hàn: Hơi sốt, sợ lạnh, amidal sưng đau, đầu đau, không mồ hôi, sổ mũi, rêu lưỡi trắng, mạch Phù. Khám thấy họng hơi sưng, mầu đỏ.

* Thể Nặng : Sốt cao, miệng khô, Amidal sưng to,  lở loét hoặc  hóa mủ, họng đau rát, khó ăn uống, hạch nổi dưới hàm  hoặc  sau gáy, táo bón, tiểu đỏ, vàng, rêu lưỡi vàng dầy, mạch Sác.
Trên lâm sàng thường gặp ba loại sau:

+ Vị Có Nhiệt Thịnh: Họng sưng đau như kim đâm,  đau lan đến tận mang tai và góc hàm, nuốt khó, sốt cao, miệng hôi, đờm mầu vàng, bụng đầy, táo bón, nước tiểu vàng, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng béo, mạch Hồng, Đại, Sác.

+ Do Phế âm hư: Họng hơi sưng đau, hơi lở loét, miệng lưỡi khô ráo, ngũ tâm phiền nhiệt, gò má đỏ, tinh thần mê muội, lưỡi đỏ, ít rêu, mạch Tế Sác.

+ Do Thận âm hư: Họng khô, đau, lưng đau, gối mỏi, hư phiền, mất ngủ, đầu váng, hoa mắt, tai ù, lưỡi đỏ sậm, mạch Tế.

D- Điều trị :

* Nhẹ :
+ Sơ phong, thanh nhiệt, tân lương giải biểu (Trung Y Ngũ Quan Khoa Học).
+ Sơ phong, thanh Phế, lợi hầu (Tân Biên Châm Cứu Trị Liệu Học).
. Kinh Phòng Bại Độc Tán  (20)
( Khương hoạt + Kinh giới + Phòng phong có tác dụng tân ôn giải biểu, phát tán phong hàn; Độc hoạt ôn thông kinh lạc; Xuyên khung hoạt huyết, khu phong; Sài hồ giải cơ, thanh nhiệt; Bạc hà sơ tán phong nhiệt; Tiền hồ + Cát cánh thanh tuyên Phế khí; Chỉ xác khoan trung, lý khí; Phục linh lợi thấp).
 . Ngân Kiều Tán  Gia Giảm ( 31).
( Ngân hoa, Liên kiều là chủ dược, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tân lương thấu biểu; Bạc hà, Kinh giới, Đạm đậu xị hỗ trợ tác dụng cho chủ dược; Cát cánh, Ngưu bàng tử, Cam thảo tuyên Phế, hóa đờm; Trúc diệp, Lô căn thanh nhiệt, sinh tân, chỉ khát).
Giải Độc Lợi Hầu Thang II (12), Liên Kiều Mã Bột Tán (21).

Châm Cứu :
+ Thanh Vị nhiệt, lợi yết hầu: Châm tả Thiếu thương, Xích trạch, Hợp cốc, Khúc trì.
(Thiếu thương là huyệt Tỉnh của kinh Phế, châm ra máu có thể thanh tiết nhiệt ở Phế, là chủ huyệt; Hợp với huyệt Xích trạch là dựa theo nguyên tắc ‘Thực tả tử’; Hợp cốc là huyệt Nguyên của kinh Đại trường, hợp với huyệt Khúc trì để sơ phong, giải biểu, thanh yết hầu (Tân Biên Châm Cứu Trị Liệu Học).
+ Thiên đột, Thiếu thương, Hợp cốc, Khúc trì (Trung Y Ngũ Quan Khoa Học).
+ Thiếu thương, Hợp cốc, Khúc trì, Thiên dung (Thiếu thương, châm ra máu  thanh tiết phong nhiệt ở kinh Phế, để thông họng; Hợp cốc trấn thống, thông lạc, sơ phong, thanh nhiệt; Khúc trì thanh giáng hỏa ở Vị, tiết hỏa, giải độc, ba huyệt trên phối hợp có tác dụng thanh tiết Phế, Vị; Thiên dung thanh nhiệt, tiêu thủng, lợi hầu (Trung Y Cương Mục).

* Nặng :

+ Do Vị có nhiệt nhiều: Thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm (Trung Y Ngũ Quan Khoa Học).
Lương Cách Tán  ( 29 ).
( Liên kiều, Chi tử,  Hoàng cầm để tiết  nhiệt;   Hợp với Đại hoàng  + Mang tiêu để tả thực,  công hạ,  khu tà nhiệt theo đường đại tiện mà ra, trừ táo thực ở trung tiêu; Bạc hà để  đẩy uất nhiệt ở thượng tiêu).
Tiêu Nga Lợi Hầu Thang (54 ), Phục Phương Bồ Công Anh Thang ( 36 ), Nhũ Nga Thang  (35), Liên Kều Mã Bột Tán  (15), Liên Kiều Tiêu Thủng  Thang ( 22 ), Bồ Công Anh Phục Phương (03), Cương Mai Thang (05), Lợi Hầu Giải Độc Thang (23).

Châm cứu:

+ Châm tả Thương dương, Nội đình, Thiên đột, Phong long (Tân Biên Châm Cứu Trị Liệu Học). Nếu táo bón: thêm Thượng Cự Hư.
(Thương dương là huyệt Tỉnh của kinh Đại trường, châm ra máu, hợp với huyệt Vinh của kinh Vị  là Nội đình, có tác dụng thanh tiết uất nhiệt ở kinh dương minh; Thiên đột là huyệt hội của Nhâm mạch với mạch Âm duy để thanh lợi hầu họng; Phong long là huyệt Lạc của kinh Vị để thanh nhiệt, địch đờm, lợi khiếu (Tân Biên Châm Cứu Trị Liệu Học).

2) Amidal Viêm Mạn Tính

Thường xẩy ra sau khi bị nhiều đợt Amidal viêm cấp. Đông Y gọi là Thạch Nga,  Hư  Hỏa Nhũ Nga.
Chứng: Amidal sưng nhiều đợt, hay tái phát, miệng khô, họng khô, rát, đau, miệng hôi, ho khan, sốt nhẹ, người mỏi mệt, mạch Sác vô lực hoặc  Tế Sác.
Điều trị:
+ Do Vị có nhiệt: Tiết nhiệt, giải độc, lợi yết, tiêu thủng.
Thanh Yết Lợi Cách Thang ( 46).
(Đại hoàng, Huyền minh phấn thông phủ, tả hỏa; Sơn chi tử, Hoàng cầm, Liên kiều, Ngân hoa, Hoàng liên tả hỏa, giải độc; Cát cánh, Cam thảo, Ngưu bàng tử, Huyền sâm làm thông họng; Kinh giới, Phòng phong, Bạc hà sơ biểu, tán tà).

Châm Cứu: Hợp cốc, Nội đình, Khúc trì (Trung Y Ngũ Quan Khoa Học).

+ Do Phế âm hư: Dưỡng âm, thanh Phế, tiêu viêm (Trung Y Ngũ Quan Khoa Học).
. Dưỡng Âm  Thanh Phế Thang ( 2 )
(Sinh địa, Huyền sâm dưỡng âm, nhuận táo, giải độc, lương huyết; Mạch môn, Bạch thược  hỗ trợ cho Sinh địa và Huyền sâm dưỡng âm, thanh Phế mà nhuận táo; Đơn bì giúp cho Sinh địa và Huyền sâm để lương huyết, giải độc mà  tiêu ung thủng; Bối mẫu nhuận phế, chỉ khái, thanh nhiệt, hoá đờm; Bạc hà tuyên phế, lợi hầu; Cam thảo tả hoả, giải độc, điều hoà các vị thuốc ( Thành Đô Phương Tễ Học).

Châm cứu:          Châm Ngư tế, Thái Khê, Hợp cốc, Ế phong (Ngư tế thanh hư hỏa, lợi yết hầu; Thái khê tư âm, giáng hỏa, dẫn hỏa quay về trong thủy; Hợp cốc hỗ trợ Ngư tế để thanh nhiệt; Ế phong thanh giáng khí hỏa ở tam tiêu, bên trên làm lợi khiếu, thanh hầu, bên dưới dẫn hỏa trở về nguồn, tiêu thủng, lợi hầu, chỉ thống (Trung Y Cương Mục).

          + Do Thận âm hư: Dưỡng âm, thanh Phế, sinh tân, nhuận táo.
Lục Vị Địa Hoàng Hoàn Gia Giảm ( 27 ).

Châm cứu: Châm bình bổ bình tả Thái khê, Chiếu hải, Ngư tế.
(Thái khê là huyệt Nguyên của kinh Thận; Chiếu hải thông với mạch Âm Kiều, hai huyệt này có tác dụng tư âm, giáng hỏa, làm cho hư hỏa đi xuống. Là huyệt có kết quả tốt trị hư nhiệt bốc lên làm họng đau; Ngư tế là huyệt Vinh của kinh Phế, có tác dụng thanh Phế nhiệt, thông họng (Tân Biên Châm Cứu Trị Liệu Học).

CẮT AMIDAL


          Vấn đề cắt Amidal được các nhà nghiên cứu y học nhận định như sau:
+ Trong những trường hợp Amidal viêm quá to, gây chèn ép thanh quản làm trở ngại đường hô hấp khiến cơ thể châm phát triển, hoặc có nguy cơ gây áp xe, nhiễm độc, gây các biến chứng ở khớp, thận hoặc tim thì nên chỉ định cắt.
+ Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng Amidal viêm là một dấu hiệu tốt, báo cho Thầy thuốc cũng như chính đương sự biết là cơ thể người bệnh đang bị nhiễm độc, cần tìm cách trị cho hết nhiễm độc thì Amidal sẽ hết viêm. Nếu cắt Amidal đi, sau này khi cơ thể bị nhiễm độc qua cửa họng, ta không có dấu hiệu gì rõ rệt để xác định việc nhiễm độc.
          Khi cần cắt Amidal, dùng châm cứu thay thuốc tê giúp cho việc giải phẫu được tiến triển tốt hơn: không phải dùng thuốc gây mê, gây tê, chỗ cắt không phải chích thuốc nên dễ cắt tận sát gốc…

Dùng các huyệt:

Nhóm I                                                           Nhóm II

Hợp cốc                                               Hợp cốc
Chi câu                                                Nội quan
Đông phong (Amidal) Nội đình

LƯƠNG Y HOÀNG DUY TÂN